Khai thác lợi thế với định hướng đúng để phát triển ngành công nghiệp
Với đặc trưng của một địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long mà nền tảng kinh tế dựa vào phát triển nông nghiệp là chủ yếu, đa số lao động tập trung vào khu vực nông ngiệp; cơ sở SX công nghiệp ban đầu chỉ có 2 nhà máy qui mô nhỏ là dệt Long An và đường Hiệp Hòa, cùng một số cơ sở xay xát lương thực nhỏ phục vụ nhu cầu dân sinh, kết cấu hạ tầng cho SX công nghiệp còn rất nhiều hạn chế, nhất là về giao thông, điện, nước… chưa đảm bảo được các điều kiện cơ bản cho phát triển công nghiệp, nhưng sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, tỉnh Long An đã nỗ lực vượt khó, xác định đúng phương hướng phát triển dựa trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh là tiếp giáp và đặc biệt là vùng giãn nở công nghiệp của TP Hồ Chí Minh-một trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam, đã tạo điều kiện thuận lợi giúp tỉnh Long An đạt được nhiều thành quả đầy ấn tượng và rất đáng tự hào trên con đường xây dựng và phát triển ngành công nghiệp, góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh hàng năm.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ với kết quả tốc độ tăng trưởng công nghiệp tỉnh Long An luôn ở mức cao đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh đúng định hướng: Khu vực công nghiệp-xây dựng tăng dần tỷ trọng từ 21,7% năm 2000 lên 27,5% năm 2005 và 35,4% năm 2010. Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Long An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2012 đã xác định đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp đạt 45-48% và năm 2030 đạt 55-60% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Công nghiệp là lĩnh vực động lực trong phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời hỗ trợ phát triển thương mại-dịch vụ và phát triển nông nghiệp, thúc đẩy nhu cầu đào tạo và thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, đổi mới công nghệ và quản lý kinh tế-xã hội. Phát triển công nghiệp hướng đến phát triển bền vững hơn sau năm 2020 trên cơ sở tăng dần hàm lượng công nghệ và tri thức trong sản phẩm; đồng thời, tích cực bảo vệ môi trường. Phân bố không gian và qui mô phát triển công nghiệp trên cơ sở liên kết thành khối phát triển công nghiệp-đô thị tương hỗ giữa các huyện, thị xã, thành phố, vùng kinh tế trong địa bàn tỉnh và với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Liên tục trong những năm qua, ngành công nghiệp của tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng khá cao hàng năm, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng từ kết quả của việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng của ngành công nghiệp đạt bình quân 16,1%/năm, tỷ trọng ngành công nghiệp năm 2015 chiếm 38,3% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (tăng 7,8% so với năm 2010); cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp cũng chuyển dịch theo hướng tích cực: CN chế biến, CN cơ khí-điện-điện tử tăng dần tỷ trọng, CN dệt-may phát triển mạnh, những ngành CN sử dụng nhiều lao động, gia công và các ngành CN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có xu hướng ngày càng giảm dần do kết quả của việc điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư của tỉnh; Sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm CN ngày càng tăng lên cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu chú trọng đầu tư công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa các lĩnh vực SX, từng bước khẳng định dần vai trò động lực trong phát triển kinh tế. Hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm CN cơ bản đáp ứng yêu cầu; kết cấu hạ tầng trong các khu, cụm CN được quan tâm đầu tư; môi trường đầu tư và kinh doanh có nhiều cải thiện; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được chú trọng hơn về hiệu quả thiết thực; tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm CN đang hoạt động tăng lên. Tính đến cuối tháng 7-2016, toàn tỉnh có 7.324 DN 100% vốn trong nước đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 153.395 tỷ đồng; 757 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 5.080 triệu USD, trong đó có 447 dự án đi vào hoạt động với vốn 2.952 triệu USD; 16/28 khu CN đang hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy 60,01% và 14/32 cụm CN đang hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy 88,37%.
Thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế
Thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Long An, nhiệm kỳ 2015-2020 với mục tiêu xây dựng nền tảng để sớm đưa Long An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; trong đó tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9-9,5%, cơ cấu kinh tế của tỉnh đến hết năm 2020 khu vực II đạt 50%, khu vực III là 33% và khu vực I là 17%; “khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế”; tiếp tục thực hiện chương trình đột phá “Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh”; Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương của tỉnh phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo để ngành CN tiếp tục phát triển bền vững với các giải pháp chủ yếu phù hợp mang tính đột phá và đồng bộ: Trước hết và xuyên suốt phải là tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch, đề án phát triển CN trên địa bàn tỉnh đã ban hành; tiếp tục tiến hành rà soát, sắp xếp lại các khu, cụm CN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh giúp các khu, cụm CN, nhà đầu tư hạ tầng và DN đi vào hoạt động có hiệu quả, phấn đấu đến năm 2020 thu hút, lấp đầy trên 1.500 ha diện tích các khu, cụm CN. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành CN phát triển theo chiều sâu, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, gắn kết với phát triển dịch vụ CN. Tập trung phát triển CN hỗ trợ; đặc biệt là nhóm sản phẩm cơ khí, điện điện tử, hóa chất, CN phục vụ nông nghiệp-nông thôn, CN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thân thiện với môi trường; phấn đấu hình thành các khu vực chuyên về CN hỗ trợ trong các khu, cụm CN. Hỗ trợ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại.
Khuyến khích hình thành các cụm liên kết ngành; ưu tiên, mời gọi, bố trí các dự án đầu tư các dự án có tính liên kết sử dụng sản phẩm của nhau; hỗ trợ DN trong nước liên kết phát triển thành DN vệ tinh trong chuỗi SX của các tập đoàn nước ngoài. Thúc đẩy phát triển CN nông thôn, phát triển các ngành nghề mới phù hợp với địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển CN, tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế trong tiếp cận các nguồn lực đầu tư; tạo điều kiện cho các DN thuộc các thành phần kinh tế phát huy nội lực, tái cấu trúc, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD và sức cạnh tranh của DN. Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 của tỉnh.
Từ những thành quả đạt được trong việc phát triển ngành công nghiệp của tỉnh trong thời gian qua, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, nhất là TPP và Cộng đồng kinh tế ASEAN, Sở Công Thương tỉnh Long An sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, quyết tâm tiếp tục nỗ lực tận dụng thời cơ, tiềm năng, lợi thế, đồng thời nhận thức sâu sắc các thách thức, khó khăn, hạn chế để cùng hướng đến mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp tỉnh Long An ngày càng phát triển bền vững.
Đặng Văn Lớp
Giám đốc Sở Công Thương Long An